Thursday, 17 January 2019

[Sách] TƯ DUY NHƯ EINSTEIN - How to think like Einstein


TƯ DUY NHƯ EINSTEIN
Mình đọc cuốn sách này trong những ngày cuối năm có chút vội vã. Vội vã trong cả việc cầm cuốn sách để đọc và cả vội vã trong việc hoàn thành cuốn sách trước khi về Việt Nam. Nhưng không phải vì vội vã mà mình đọc dối đâu nha. Mình nghĩ mình hiểu được ý tác giả và nội dung cuốn sách.
Cuốn sách gồm 11 chương, 2 phần phụ lục và có độ dày 322 trang. Mỗi ngày mình đọc hai chương vào hai thời điểm 6h00 sáng và 10h00 tối. Khép cuốn sách, điều đọng lại trong mình đó chính là vững tin hơn những điều mình đang làm để phá vỡ nguyên tắc không mang lại sự ích lợi và niềm vui cho mình.
Một số phần trong cuốn sách mình thích:
Chương 1 và 2: viết về Einstein phá bỏ nguyên tắc – định kiến.
Chương 3: xác định đúng vấn đề
Ở thời Einstein, có nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu về Thuyết tương đối nhưng họ cố gắng giải quyết một vấn đề theo hướng khác. Cuối cùng, họ không thành công còn ngược lại Einstein lại thành công. Tại sao thế? Tại vì Einstein xác định đúng vấn đề.
Làm sao để xác định đúng vấn đề? Hãy viết nó ra và phân tích. Nếu vấn đề quá bé, quá thô sơ dễ thực hiện thì việc thực hiện hay không cũng không thành vấn đề. Nếu vấn đề quá lớn vượt tầm với thì dễ nản chí bỏ cuộc. Vì thế, phải xác định đúng vấn đề. Gặp phải vấn đề quá bé, quá thô sơ hãy mở rộng vấn đề nâng vấn đề khó hơn. Nhưng gặp phải vấn đề quá lớn hãy chi tiết để tìm vấn đề phù hợp hơn.
Làm sao để biết vấn đề phù hợp? Tác giả gợi ý nếu bạn trả lời là CÓ cho câu hỏi sau đây thì vấn đề của bạn là phù hợp. Câu hỏi đó là “Vấn đề có hấp dẫn và vui vẻ không?”
Chương 4: Khái niệm Chris
Christopher Columbus là nhà thám hiểm vĩ đại thế kỷ XV. Ông có ý tưởng điên rồi là đi tàu về hướng Tây để tới châu Á. Ở thế kỷ XV đó là điều không thể. Nhưng nhờ ý tưởng điên rồ này mà ông đã khám phá ra châu Mỹ. Ngày nay, những ý tưởng điên rồ được gọi là những ý tưởng mang dáng dấp “khái niệm Chris”.
Ý tưởng mang “khái niệm Chris” là những ý tưởng không phải là những giải pháp mà bạn đang tìm kiếm nhưng nó tiềm ẩn những khả năng đưa bạn đến một giải pháp tuyệt vời. Những khái niệm Chris rất có giá trị, càng nhiều càng tốt. Hãy viết nó ra, đừng để trong đầu vì những khái niệm Chris rất dễ bị lãng quên.
Bạn có nghe “người duy nhất không bao giờ mắc sai lầm là người không làm bất cứ việc gì” (Dore Roosevelt). Cho nên, việc bạn mắc sai lầm nhiều lần trong công việc, học tập và cuộc sống có nghĩa là bạn đang vận động tìm kiếm một giải pháp tốt hơn! Do đó, hãy ghi lại tất cả những ý tưởng “khái niệm Chris”, đừng để nó tan biến theo thời gian. Ghi lại – rút kinh nghiệm và phát triển. Hãy nhớ “mọi ý tưởng của bạn đều là nguyên liệu thô cho các giải pháp tương lai”.
Chương 7: Phá vỡ nguyên tắc
Những nguyên tắc – quy luật thật sự hữu ích. Chúng ta nên ton trọng khi đó là điều hợp đạo lý. Nhưng hãy nhớ là các quy luật không phải là chân lý, nó chỉ ghi lại những sự thật mà thôi. Có những lúc cần phải phá vỡ các quy luật kể cả các quy luật được tôn vinh. Mạnh dạn, sáng tạo đừng đi theo lối mòn!
Chương 8: Giao phối trí tuệ. Trí tuệ A x trí tuệ B => trí tuệ C. Hãy cứ giao phối càng nhiều càng tốt, càng khác biệt càng cần thiết.
Chương 9: Tránh tai họa. Đi ngược quy luật thì thường không được số đông ủng hộ. Nên hãy hiểu như thế để không bị tổn thương và để tâm phiền muộn. Hãy hào phóng, chia sẻ ý tưởng và chia sẻ lợi ích với cấp trên – đồng nghiệp và đồng đội.
Chương 10: Thay đổi môi trường. Thay đổi công việc, thay đổi nơi ở, thay đổi trường học thì cần thời gian dài nhưng thay đổi giải trí thì có thể thực hiện nhanh – hãy thử thay đổi nó. Thay đổi không gian môi trường đối tượng giải trí để có cơ hội quan sát bằng mắt cái mới và cảm nhận cái mới bằng trái tim. Đây chính là gia vị cho bạn sáng tạo và có nhiều cảm hứng ý tưởng giải quyết vấn đề.
Chương 11: Hãy tư duy như Einstein mỗi ngày. Chương này tác giả trình bày nhiều phương pháp để rèn luyện tư duy như Einstein mỗi ngày. Mình bàn luận về một trong số các phương pháp đó chính là phương pháp đặt câu hỏi. Nếu bạn là học sinh/ sinh viên mỗi ngày đến lớp trong giờ học hãy cố gắng đặt một câu hỏi. Đừng sợ bạn bè chê cười, thầy cô cho điểm kém. Hãy nỗ lực đặt ít nhất một câu hỏi mỗi giờ học – sẽ giúp não bạn phát triển hơn và thu thập nhiều kiến thức hữu ích hơn.
Lời cuối, hãy nhớ chúng ta có hai bán cầu não, hãy để cho chúng làm việc cùng nhau. Khi bán cầu não phải bí phương pháp thì biết đâu lúc đó bán cầu não trái đã có cách rồi đấy. Và, hãy dành cho bộ óc của bạn một chế độ ăn đa dạng và điều độ.

Cảm ơn em đã cho chị  mượn cuốn sách hay nhé!
Mita




No comments:

Post a Comment