Friday, 21 December 2018

[Sách] ‘TÔI LÀ MỘT CON LỪA – Lên đường với trái tim trần trụi”



Đọc từng dòng kể của chị Phương Mai về hành trình của chị, đan xen những trải nghiệm mới lạ là những quan điểm sắc bén. Tôi cảm thấy khá vui khi đọc đến đoạn thảo luận về sự khác biệt giữa ‘travel’ (du lịch) và ‘holiday’ (nghỉ dưỡng). Trước giờ tôi vẫn phân biệt rõ ràng hai khái niệm này nhưng những người bên tôi chẳng ai đồng ý. Tôi bảo ‘travel’ là để học, ‘holiday’ là để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần. Sau mỗi hành trình học qua ‘travel’ là mệt rã rời, hết tiền nhưng được rất nhiều. Tôi xem đó là học phí. Mọi người xung quanh tôi bảo tôi chống chế để đi chơi. Hí hí … nói sao thì nói tôi đi vẫn cứ đi.
Để ‘travel’ hiệu quả trước khi lên đường cần phải có sự chuẩn bị:
  1. MỤC ĐÍCH CHUYẾN ĐI: phải có mục đích rõ ràng thì học thông qua ‘travel’ mới hiệu quả được.
  2. KINH PHÍ: ít nhất phải có đủ số tiền chi tiêu tối thiểu, mức tối thiểu này phụ thuộc vào nơi đến, ….
  3. KIẾN THỨC: văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, phương tiện đi lại, thời tiết, chỗ ở, thức ăn ….

Chiayi-12-2018

TRẢI NGHIỆM CỦA TÔI

Chị Mai dành cả chín tháng để đi du lịch theo dấu chân đạo hồi. Chị muốn học về văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán, và tình hình thực tại. Sư phụ của tôi dành suốt ba năm để tu bụi quanh nước Mỹ.  Và nhiều rất nhiều nhân vật khác đã dùng phương tiện ‘travel’ để học và nghiên cứu. Cá nhân tôi thì chưa có những chuyến đi nào dài đến thế, dài nhất là hai tháng, ít nhất là một ngày và thông thường là ba đến năm ngày. Điều kiện tối thiểu lên đường của tôi chưa đủ, nhưng nếu đợi đến ngày cảm thấy đủ, thì không biết ngày ấy khi nào đến, nên tôi thường quyết nhanh và luôn. Ngày sang Đài, tôi đã viết xuống mục đích của chuyến đi là tìm hiểu về nông nghiệp nước này – kỹ thuật canh tác – bảo quản – đóng gói – vận chuyển – chế biến và thương mại. Tôi kể đoạn ngắn ba ngày về lần trải nghiệm gần nhất.
Taiwan-7-2018

Hành trình đến với chuyến đi

Tâm thế rõ ràng nên tôi thường chia sẻ với bất kỳ người Đài nào dễ mến về mong ước của tôi. Một ngày nọ, tôi nhận tin nhắn từ một cô quản thư viện lúc giữa trưa “Mita, thích trải nghiệm nông nghiệp phải không? Nếu có thể đi ngay hôm nay thì có một nông dân ghé qua đón lúc 5h chiều và ở lại một tuần nhé”. Tôi suy nghĩ dàn xếp công việc và nhắn tin trả lời “đồng ý, nhưng chỉ có thể ở lại ba ngày và hẹn đợt tới đến lâu hơn.

Chuẩn bị

Tôi gói ba bộ quần áo, túi đồ dùng cá nhân, ít tiền, điện thoại, xạc điện thoại và cài App Translator.

Chuyến đi 

Năm giờ chiều, một phụ nữ ngoài sáu mươi chạy chiếc xe cũ kỹ đón tôi đến một cái núi. Đường núi gập ghềnh chênh vênh lắm, cái đứa luôn bị say xe như tôi thì thật đáng thương. Nhưng, mở cửa xuống xe là mọi thứ sẽ hồi sinh. Xuống xe, mở cửa phòng kho theo bà lấy đạo cụ ra vườn. Lúc đó cũng sáu giờ chiều tháng bảy trời sáng trưng.
Công việc của tôi là bao các quả bưởi khỏe mạnh. Tôi đeo tạp dề, mang găng tay, một số dụng cụ để làm. Bà dạy tôi cách chọn quả bưởi khỏe mạnh bao chúng lại, loại bỏ những quả không đạt chuẩn bỏ đi. Bài học ngắn gọn cũng dễ hiểu nên tôi thực hành được ngay. Hơn tám giờ tối bà đưa tôi đến quán mỳ dưới chân núi để ăn tối. Thức ăn ở đây khá rẻ và ngon.

Quán mì dưới núi

 Ăn xong, cũng gần 9h tối. Mệt lữ. Lên xe và bà đưa tôi đến một công ty bán cây giống. Có lẽ, họ là mối của nhau nên vẫn giao dịch giờ khuya thế này. Bài học tiếp theo là chọn cây nhãn giống. Đây là loại nhãn ghép giữa cây mẹ có sức sống khỏe mạnh với cây sai quả, mỗi cây con cao tầm 50 -80 cm. Sau khi chọn cây xong, tôi có nhiệm vụ phụ giúp khuân các cây lên xe tải. Gần 10h đêm, tôi được bà đưa về nhà. Tối tăm, bụi bẩn, đầy đồ đạc. Tôi được chỉ dẫn nơi tắm rửa và ngủ đêm nay. Dù chỗ khá lạ nhưng vì mệt nên tôi đã có một đêm khá ngon giấc.
Cây nhãn giống

Sáng hôm sau 6h sáng, bà đánh thức dậy và chuẩn bị bữa ăn sáng cùng bà. Một món cà tím luộc chấm nước tương. Ăn xong, bà không đưa tôi lên núi nữa mà xuống sông cách đó khoảng 60km. Sáng nay, trồng nhãn. Ở đây, có hai bác thợ chính hướng dẫn kỹ thuật chọn vị trí trồng nhãn. Nào là tính toán hướng mặt trời mọc, nào là tính khoảng cách sao cho các cây nhãn ra quả không bị che nắng. Đánh dấu vị trí và bắt đầu trồng. Họ có máy đóng cọc vừa bọc nhãn giống, cắt bỏ bọc giống, đặt cây xuống hố, lấp hố và phủ phía trên một lớp bã thực vật để giữ ẩm. Xong trồng nhãn. Trời đứng bóng, bắt đầu đi thăm đồng chuối già, đồng đu đủ, đồng măng tây, thu hoạch quả ô ma.
Quả ô ma

Cây măng tây
(mặc dù ăn măng tây nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên trong đời biết đến cây măng tây)



Chú này hướng dẫn tôi trồng và chăm sóc cây

Ăn trưa tại đây, bữa trưa đầy đủ có thịt gà kho, có trái cây. Ngủ trưa bằng võng tre.
Chiều nay trời mưa, không phải làm gì. Bà đưa tôi đến trại dưỡng lão. Đem quả ô ma đến cho từng cụ. Điều thú vị ở trại dưỡng lão này cũng có ông lão làng. Ông ấy ngồi ở giữa cổng tòa nhà, vừa đem quả ô ma vào ông ta được quyền chọn quả to nhất, ngon nhất. Trong khi, các ông bà lão khác mỗi người chỉ được ½ hoặc 1/3 quả ô ma thôi. Tôi thì thầm trong bụng – con người thú vị thật.
Taiwan-7-2018

Bà chủ theo Đạo Phật, mỗi tối bà đi học kinh Phật. Đương nhiên, tôi bị tha đi rồi. Người Đài cũng y người Việt chúng ta, rất tình cảm. Bà mang theo nào quả ô ma, nào măng tây, nào xoài để cho mỗi người bạn Đạo. Trở về nhà đã nửa đêm.
Ngày kinh khủng nhất chính là ngày thứ ba. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn món cơm khó tả. Nó nhão nhão, nâu nâu, đầy rau cũ kỹ, có cá, có thịt mỡ, có hành tỏi. Giờ nhớ lại tôi cũng còn nổi cả da gà. Thế mà tôi đã ăn xong đấy. Lúc đó đâu có dám chụp hình lại. Hôm đó, chúng tôi lên núi bao quả bưởi, bao quả ổi, hái ớt. Buổi trưa, chúng tôi ăn một loại rau câu dứa (quả dứa cắt từng miếng to nấu mềm, thêm đường và agar). Trời cũng đã tối. Việc cũng xong rồi. Chia tay bà bằng bữa ăn hoành tránh ở tiệm mì khá nổi tiếng dưới núi. Chuyến đi kết thúc. Mệt rã rời. Nhưng tôi thu được không ít những bài học giá trị.

Bạn có chuyến đi đầy ý nghĩa nào chia sẻ với tôi nhé! Cảm ơn bạn!
-----www.mitabio.com-----


No comments:

Post a Comment